NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TRẺ EM

Thứ tư - 10/03/2021 08:00
Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017
Các bé lớp A1 (5 6 tuổi) trường MN Ánh Dương
Các bé lớp A1 (5 6 tuổi) trường MN Ánh Dương
 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TRẺ EM

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật trẻ em ngày 05 tháng 4 năm 2016;

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em về các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và chính sách hỗ trợ; hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; chăm sóc thay thế cho trẻ em; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc bảo đảm để trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân quy định tại Điều 3 Luật trẻ em.

Chương II

CÁC NHÓM TRẺ EM CÓ HOÀN CẢNH ĐẶC BIỆT VÀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

Mục 1. CÁC NHÓM TRẺ EM CÓ HOÀN CẢNH ĐẶC BIỆT

Điều 3. Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ

1. Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ không có người chăm sóc.

2. Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ được nuôi dưỡng trong cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em hoặc cơ sở trợ giúp xã hội.

3. Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ sống với người thân thích.

4. Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ được nhận chăm sóc thay thế bởi cá nhân, gia đình không phải người thân thích, trừ trường hợp được nhận làm con nuôi.

Điều 4. Trẻ em bị bỏ rơi

1. Trẻ em bị bỏ rơi chưa được chăm sóc thay thế.

2. Trẻ em bị bỏ rơi được chăm sóc thay thế.

Điều 5. Trẻ em không nơi nương tựa

1. Trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại mất tích theo quy định của pháp luật.

2. Trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc không còn khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng.

3. Trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

4. Trẻ em có cả cha và mẹ mất tích theo quy định của pháp luật.

5. Trẻ em có cha hoặc mẹ mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội.

6. Trẻ em có cha hoặc mẹ mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

7. Trẻ em có cả cha và mẹ không còn khả năng chăm sóc trẻ em.

8. Trẻ em có cả cha và mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội.

9. Trẻ em có cả cha và mẹ đang chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

10. Trẻ em có cha hoặc mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội và người còn lại đang chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

11. Trẻ em sống trong gia đình có cả cha và mẹ trong độ tuổi trẻ em.

12. Trẻ em có cả cha và mẹ bị hạn chế quyền làm cha mẹ hoặc tạm thời cách ly khỏi cha hoặc mẹ theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Trẻ em khuyết tật

1. Trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng.

2. Trẻ em khuyết tật nặng.

3. Trẻ em khuyết tật nhẹ.

Điều 7. Trẻ em nhiễm HIV/AIDS

Trẻ em nhiễm HIV/AIDS theo quy định pháp luật.

Điều 8. Trẻ em vi phạm pháp luật

1. Trẻ em vi phạm pháp luật đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng; đang bị áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình.

2. Trẻ em vi phạm pháp luật chưa xác định được nơi cư trú ổn định đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, tại cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở trợ giúp xã hội.

3. Trẻ em vi phạm pháp luật đang bị áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào trường giáo dưỡng; đang bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn hoặc tù có thời hạn nhưng được hưởng án treo.

4. Trẻ em chấp hành xong hình phạt tù có thời hạn hoặc chấp hành xong biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.

Điều 9. Trẻ em nghiện ma túy

1. Trẻ em nghiện ma túy trong cơ sở cai nghiện.

2. Trẻ em nghiện ma túy đang áp dụng biện pháp cai nghiện, điều trị nghiện tại gia đình, cộng đồng.

Điều 10. Trẻ em phải bỏ học kiếm sống chưa hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở

1. Trẻ em phải bỏ học kiếm sống chưa hoàn thành phố cập giáo dục trung học cơ sở không có người chăm sóc.

2. Trẻ em phải bỏ học kiếm sống chưa hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở sống cùng cha, mẹ hoặc người chăm sóc.

Điều 11. Trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực

Trẻ em bị bạo lực dẫn đến rối loạn tâm thần, hành vi, hạn chế khả năng giao tiếp, học tập hoặc khả năng tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày theo kết luận của cơ quan giám định, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người có chuyên môn được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra, đánh giá mức độ tổn hại của trẻ em.

Điều 12. Trẻ em bị bóc lột

1. Trẻ em bị bắt buộc tham gia lao động trái quy định của pháp luật về lao động.

2. Trẻ em bị rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc tham gia các hoạt động trình diễn hoặc bị sử dụng trong sản xuất các sản phẩm khiêu dâm.

3. Trẻ em bị rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc tham gia hoạt động du lịch mà bị xâm hại tình dục; bị cho, nhận hoặc cung cấp để hoạt động mại dâm.

4. Trẻ em bị rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc tham gia hoạt động vận chuyển, mua bán, sản xuất, tàng trữ chất gây nghiện và các hàng hóa khác bị cấm giao dịch theo quy định của pháp luật.

5. Trẻ em bị rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc tham gia các hoạt động trục lợi khác.

Điều 13. Trẻ em bị xâm hại tình dục

1. Trẻ em bị hiếp dâm.

2. Trẻ em bị cưỡng dâm.

3. Trẻ em bị giao cấu.

4. Trẻ em bị dâm ô.

5. Trẻ em bị sử dụng vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.

Điều 14. Trẻ em bị mua bán

1. Trẻ em bị mua bán trở về sống với cha, mẹ.

2. Trẻ em bị mua bán trở về được nhận chăm sóc thay thế.

Điều 15. Trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo

1. Trẻ em thuộc hộ nghèo mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

2. Trẻ em thuộc hộ cận nghèo mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 16. Trẻ em di cư, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc

1. Trẻ em là công dân Việt Nam di cư, lánh nạn trong nước chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc.

2. Trẻ em có quốc tịch nước ngoài di cư, lánh nạn, tị nạn không có người chăm sóc.

3. Trẻ em chưa xác định được quốc tịch, chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc di cư, lánh nạn, tị nạn vào Việt Nam.

Mục 2. CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

Điều 17. Các yêu cầu đối với việc xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

1. Tuân thủ nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em quy định tại Điều 5 và các yêu cầu bảo vệ trẻ em quy định tại Điều 47 Luật trẻ em.

2. Độ tuổi, định mức, thời hạn, phương thức thực hiện chính sách hỗ trợ đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quy định trong pháp luật về các lĩnh vực có liên quan phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Điều 18. Chính sách chăm sóc sức khỏe

1. Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

2. Nhà nước trả hoặc hỗ trợ trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh hoặc giám định sức khỏe cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

3. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng các chính sách chăm sóc sức khỏe khác theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Chính sách trợ giúp xã hội

1. Nhà nước thực hiện chế độ trợ cấp hằng tháng đối với cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế; hỗ trợ chi phí mai táng và chế độ trợ cấp, trợ giúp khác cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của pháp luật về chính sách trợ giúp xã hội.

2. Nhà nước hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại theo quy định của pháp luật về chính sách trợ giúp xã hội cho trẻ em bị xâm hại và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang được bảo vệ khẩn cấp theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định này.

Điều 20. Chính sách hỗ trợ giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp

Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của pháp luật giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp.

Điều 21. Chính sách trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tư vấn, trị liệu tâm lý và các dịch vụ bảo vệ trẻ em khác

1. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.

2. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hỗ trợ tư vấn, trị liệu tâm lý và các dịch vụ bảo vệ trẻ em khác theo quy định tại Điều 48, 49, 50 Luật trẻ em.

Chương III

HỖ TRỢ, CAN THIỆP ĐỐI VỚI TRƯỜNG HỢP TRẺ EM BỊ XÂM HẠI HOẶC CÓ NGUY CƠ BỊ BẠO LỰC, BÓC LỘT, BỎ RƠI VÀ TRẺ EM CÓ HOÀN CẢNH ĐẶC BIỆT

Mục 1. TỔNG ĐÀI ĐIỆN THOẠI QUỐC GIA BẢO VỆ TRẺ EM

Điều 22. Nhiệm vụ của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em

1. Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em qua điện thoại do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.

2. Tiếp nhận thông báo, tố giác từ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân qua điện thoại.

3. Liên hệ với các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan hoặc có thẩm quyền; khai thác thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng, môi trường mạng về nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em để kiểm tra thông tin, thông báo, tố giác ban đầu.

4. Chuyển, cung cấp thông tin, thông báo, tố giác hoặc giới thiệu trẻ em có nguy cơ hoặc bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, chức năng bảo vệ trẻ em.

5. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cá nhân có thẩm quyền, chức năng bảo vệ trẻ em trong phạm vi toàn quốc để đáp ứng việc tiếp nhận, trao đổi, xác minh thông tin, thông báo, tố giác về trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi.

6. Hỗ trợ người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với từng trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi; theo dõi, đánh giá việc xây dựng và thực hiện kế hoạch này.

7. Tư vấn tâm lý, pháp luật, chính sách cho trẻ em, cha, mẹ, thành viên gia đình, người chăm sóc trẻ em.

8. Lưu trữ, phân tích, tổng hợp thông tin để cung cấp, thông tin, thông báo, tố giác khi có yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, đối với vụ việc xâm hại trẻ em và các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; thực hiện báo cáo định kỳ, đột xuất cho cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em và các cơ quan khác có thẩm quyền, trách nhiệm về bảo vệ trẻ em.

Điều 23. Điều kiện bảo đảm hoạt động của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em

1. Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em hoạt động 24 giờ tất cả các ngày, được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động.

2. Được sử dụng số điện thoại ngắn 03 số, không thu phí viễn thông và phí tư vấn đối với người gọi đến Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em.

3. Được tiếp nhận viện trợ, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; được quảng bá số điện thoại và các dịch vụ của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em theo quy định của pháp luật.

Mục 2. TIẾP NHẬN, XỬ LÝ THÔNG TIN, THÔNG BÁO, TỐ GIÁC HÀNH VI XÂM HẠI TRẺ EM

Điều 24. Nguyên tắc bảo mật thông tin

1. Mọi thông tin, thông báo, tố giác trong quá trình tiếp nhận, xác minh phải được bảo mật vì lợi ích, sự an toàn của người cung cấp thông tin và vì lợi ích tốt nhất của trẻ em có liên quan.

2. Quá trình cung cấp, trao đổi thông tin phục vụ cho việc bảo vệ trẻ em giữa nơi tiếp nhận thông tin và cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, chức năng bảo vệ trẻ em phải được bảo mật.

3. Thông tin, báo cáo định kỳ, đột xuất của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, chức năng bảo vệ trẻ em phải xác định mức độ bảo mật và phạm vi cung cấp thông tin, báo cáo.

Điều 25. Tiếp nhận và phối hợp xử lý thông tin

1. Các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân nếu phát hiện hoặc có thông tin về hành vi xâm hại trẻ em hoặc trẻ em có nguy cơ bị xâm hại có trách nhiệm thông báo ngay cho Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em hoặc cơ quan lao động - thương binh và xã hội các cấp hoặc cơ quan công an các cấp hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc (sau đây gọi là nơi tiếp nhận thông tin). Nơi tiếp nhận thông tin có trách nhiệm ghi chép đầy đủ thông tin về hành vi xâm hại trẻ em, trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em có trách nhiệm cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan lao động - thương binh và xã hội các cấp, cơ quan công an các cấp, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc hoặc nơi trẻ em cư trú để thực hiện việc kiểm tra tính xác thực về hành vi xâm hại, tình trạng mất an toàn, mức độ nguy cơ gây tổn hại đối với trẻ em khi được yêu cầu.

3. Trường hợp tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm xâm hại trẻ em thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Điều 26. Đánh giá ban đầu mức độ tổn hại của trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

1. Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em hoặc cơ quan lao động - thương binh và xã hội các cấp hoặc cơ quan công an các cấp có trách nhiệm phối hợp xử lý thông tin, thông báo, tố giác về trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi; chuyển ngay thông tin đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc để thực hiện việc đánh giá nguy cơ ban đầu về mức độ tổn hại của trẻ em.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc chỉ đạo người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã tiến hành việc đánh giá nguy cơ ban đầu, mức độ tổn hại của trẻ em theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này để có cơ sở áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp can thiệp khẩn cấp.

3. Trường hợp trẻ em được xác định có nguy cơ hoặc đang bị tổn hại nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm thì trong vòng 12 giờ từ khi nhận thông tin, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải áp dụng các biện pháp can thiệp khẩn cấp hoặc tạm thời cách ly trẻ em khỏi môi trường hoặc người gây tổn hại cho trẻ em quy định tại Điều 31 và Điều 32 của Nghị định này.

Mục 3. KẾ HOẠCH HỖ TRỢ, CAN THIỆP ĐỐI VỚI TRƯỜNG HỢP TRẺ EM BỊ XÂM HẠI HOẶC CÓ NGUY CƠ BỊ BẠO LỰC, BÓC LỘT, BỎ RƠI VÀ TRẺ EM CÓ HOÀN CẢNH ĐẶC BIỆT

Điều 27. Xác định nhu cầu cần hỗ trợ, can thiệp của trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

1. Sau khi đánh giá ban đầu về nguy cơ và mức độ tổn hại của trẻ em, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã thực hiện hoặc yêu cầu Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em và các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em hỗ trợ thực hiện việc thu thập thông tin, đánh giá nguy cơ cụ thể theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này bao gồm:

a) Tình trạng thể chất, tâm lý, tình cảm của trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt;

b) Hoàn cảnh gia đình, mối quan hệ của trẻ em và năng lực bảo vệ trẻ em của cha, mẹ, các thành viên trong gia đình;

c) Các yếu tố làm trẻ em có thể bị xâm hại hoặc tiếp tục bị xâm hại hoặc các yếu tố dẫn đến trẻ em tiếp tục rơi vào hoàn cảnh đặc biệt;

d) Điều kiện, khả năng học tập và khả năng tự bảo vệ của trẻ em;

đ) Mức độ an toàn và khả năng hỗ trợ của cộng đồng dân cư nơi trẻ em sinh sống;

e) Nhu cầu chăm sóc y tế, chữa trị các tổn hại về thể chất và tinh thần của trẻ em; nhu cầu trợ giúp xã hội, hỗ trợ giáo dục, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tư vấn, trị liệu tâm lý và các dịch vụ bảo vệ trẻ em khác;

g) Ý kiến, nguyện vọng của trẻ em được hỗ trợ, can thiệp;

h) Ý kiến, nguyện vọng của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em trừ trường hợp cha, mẹ, người chăm sóc là người gây tổn hại cho trẻ em.

2. Trường hợp trẻ em cần được áp dụng kế hoạch hỗ trợ, can thiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì cuộc họp với các cá nhân, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ trẻ em, đại diện địa bàn dân cư nơi trẻ em cư trú, sinh sống hoặc nơi xảy ra vụ việc, cha, mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em để xác định các biện pháp bảo vệ trẻ em theo quy định tại các Điều 47, 48, 49, 50 Luật trẻ em.

Điều 28. Xây dựng, phê duyệt kế hoạch hỗ trợ, can thiệp

1. Căn cứ mức độ tổn hại và nhu cầu cần hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em, trong thời hạn 05 ngày làm việc, trừ trường hợp khẩn cấp, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã xây dựng kế hoạch hỗ trợ, can thiệp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phê duyệt theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phê duyệt kế hoạch hỗ trợ, can thiệp bao gồm:

a) Báo cáo tiếp nhận thông tin trẻ em và đánh giá nguy cơ ban đầu về tình trạng trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt;

b) Báo cáo thu thập thông tin, đánh giá nguy cơ cụ thể tình hình trẻ em, biên bản cuộc họp xác định nhu cầu cần hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em tại khoản 2 Điều 27 Nghị định này và các tài liệu khác có liên quan (nếu có);

c) Dự thảo Quyết định phê duyệt và kế hoạch hỗ trợ, can thiệp theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Kế hoạch hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt bao gồm các nội dung sau:

a) Các dịch vụ, công việc cần thực hiện, thời điểm bắt đầu và dự kiến kết thúc;

b) Phân công trách nhiệm cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn cấp xã thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp;

c) Các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em cần huy động cung cấp dịch vụ cụ thể;

d) Dự toán kinh phí cho từng dịch vụ, công việc.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch hỗ trợ, can thiệp trong thời hạn 02 ngày làm việc trừ trường hợp khẩn cấp.

5. Quyết định và kế hoạch hỗ trợ, can thiệp được gửi đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện và cha, mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em.

Điều 29. Thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp

1. Người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trực tiếp thực hiện một số hoạt động hỗ trợ, can thiệp và chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp cụ thể như sau:

a) Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các dịch vụ, hoạt động hỗ trợ, can thiệp; kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã kịp thời điều chỉnh kế hoạch phù hợp với thay đổi của cá nhân trẻ em và mức độ an toàn của môi trường trẻ em đang sinh sống;

b) Kết nối dịch vụ, hoạt động trên địa bàn xã hoặc yêu cầu sự hỗ trợ của cơ quan có trách nhiệm bảo vệ trẻ em các cấp, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em ngoài địa bàn;

c) Vận động cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia hỗ trợ.

2. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở giáo dục, cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý, cơ quan công an, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em tham gia thực hiện, hỗ trợ việc thực hiện kế hoạch.

3. Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

4. Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em có trách nhiệm giới thiệu, kết nối các dịch vụ hỗ trợ, can thiệp cần thiết trong trường hợp cấp tỉnh không có dịch vụ hoặc theo đề nghị của người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã.

Điều 30. Rà soát, đánh giá sau khi thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp

1. Người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tham gia thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp tổ chức rà soát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch cụ thể như sau:

a) Đánh giá tình trạng trẻ em và mức độ an toàn của môi trường trẻ em đang sinh sống sau khi thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp;

b) Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã việc kết thúc kế hoạch hỗ trợ, can thiệp nếu trẻ em không còn nguy cơ bị xâm hại và các yếu tố về thể chất, tâm lý, nhận thức, tình cảm của trẻ em ổn định;

c) Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp tục quy trình xây dựng, phê duyệt kế hoạch hỗ trợ, can thiệp nếu trẻ em vẫn có nguy cơ bị xâm hại hoặc các yếu tố về thể chất, tâm lý, nhận thức và tình cảm của trẻ em chưa ổn định.

2. Rà soát, đánh giá tình trạng của trẻ em sau khi thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp theo Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Hồ sơ kế hoạch hỗ trợ, can thiệp được lưu trữ tại Ủy ban nhân dân cấp xã và nhập vào cơ sở dữ liệu trẻ em quốc gia.

Điều 31. Can thiệp trong trường hợp trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp

1. Trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp là trẻ em đang bị đe dọa hoặc bị gây tổn hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm hoặc cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em chính là người gây tổn hại cho trẻ em.

2. Việc can thiệp trong trường hợp trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp phải được thực hiện trong thời gian nhanh nhất có thể và không quá 12 giờ từ khi nhận được thông tin.

3. Trách nhiệm của người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã:

a) Tiếp nhận thông tin, kết nối với cơ quan công an để ngăn chặn các hành vi đe dọa hoặc gây tổn hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của trẻ em xảy ra trên địa bàn xã; phối hợp với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu ban đầu cho trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp và lưu giữ đồ vật, tài liệu liên quan đến tổn hại của trẻ em do bị xâm hại để hỗ trợ việc điều tra, xử lý, bảo vệ trẻ em;

b) Tiếp tục đánh giá mức độ tổn hại và mức độ an toàn môi trường sống của trẻ em, xây dựng kế hoạch hỗ trợ, can thiệp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phê duyệt và triển khai thực hiện;

c) Trong trường hợp cần thiết phối hợp với Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em để được hướng dẫn, hỗ trợ việc can thiệp khẩn cấp và xây dựng, thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp.

4. Trách nhiệm của cơ quan công an

a) Tiếp nhận thông tin, triển khai việc ngăn chặn các hành vi đe dọa hoặc gây tổn hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của trẻ em;

b) Phối hợp với người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã nơi xảy ra vụ việc để thực hiện việc bảo vệ trẻ em khẩn cấp, bảo đảm sự an toàn về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và vì lợi ích tốt nhất của trẻ em;

c) Trong trường hợp cần thiết, phối hợp với Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em để hỗ trợ việc can thiệp khẩn cấp.

5. Trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

a) Khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em bị xâm hại và trẻ em được áp dụng kế hoạch hỗ trợ, can thiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật trẻ em;

b) Hướng dẫn việc thu thập bằng chứng, lưu giữ chứng cứ tổn hại của trẻ em do bị xâm hại phục vụ việc giám định theo hướng dẫn của Bộ Y tế;

c) Lưu trữ hồ sơ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

Điều 32. Tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế

1. Việc tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 50 Luật trẻ em được thực hiện đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi bởi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em; trẻ em bị xâm hại nhưng cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em từ chối thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp hoặc trẻ em bị xâm hại có nguy cơ tiếp tục bị xâm hại bởi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em cư trú hoặc nơi xảy ra trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này có thẩm quyền ra quyết định tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em theo Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và bố trí nơi tạm trú an toàn theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 50 Luật trẻ em và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế theo quy định tại khoản 3 Điều 52 Luật trẻ em trong vòng 12 giờ tính từ thời điểm tiếp nhận thông tin.

3. Thời hạn tạm thời cách ly được quyết định căn cứ vào đánh giá nhu cầu và môi trường an toàn của trẻ em, được gia hạn, nhưng thời hạn cách ly tối đa không quá 15 ngày trừ trường hợp phải tiếp tục cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Khi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em được đánh giá bảo đảm điều kiện an toàn cho trẻ em theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hủy bỏ quyết định tạm thời cách ly.

4. Trẻ em được tạm thời cách ly khẩn cấp khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em cần được thực hiện ngay việc giao chăm sóc thay thế trước khi thực hiện các thủ tục nhận chăm sóc thay thế.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM BẢO VỆ TRẺ EM TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG

Điều 33. Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em

Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.

Điều 34. Truyền thông, giáo dục, nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

1. Cơ quan quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông; về giáo dục, đào tạo; về giáo dục nghề nghiệp; về trẻ em; các tổ chức hoạt động vì trẻ em; tổ chức hoạt động trên môi trường mạng có trách nhiệm truyền thông nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực, phổ biến kỹ năng cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, giáo viên, trẻ em và cơ quan, tổ chức có liên quan về lợi ích, tác động tiêu cực của môi trường mạng đối với trẻ em; về việc phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật về công nghệ thông tin, an toàn thông tin và các lĩnh vực có liên quan.

2. Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng an toàn cho trẻ em khi tham gia môi trường mạng; trẻ em có bổn phận tìm hiểu, học kiến thức, rèn luyện kỹ năng tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng.

3. Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải hướng dẫn việc sử dụng dịch vụ, sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin, tiếp cận thông tin để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Điều 35. Bảo đảm an toàn cho trẻ em trong việc trao đổi, cung cấp thông tin trên môi trường mạng

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên môi trường mạng phải phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tổ chức, cá nhân khác trong việc bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em trên môi trường mạng; ngăn chặn thông tin gây hại cho trẻ em theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng.

2. Doanh nghiệp kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải có biện pháp sử dụng dịch vụ bảo vệ người sử dụng là trẻ em.

3. Doanh nghiệp kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải cảnh báo hoặc gỡ bỏ thông tin, dịch vụ gây hại cho trẻ em, thông tin, dịch vụ giả mạo, xuyên tạc xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.

4. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên môi trường mạng phải có công cụ kiểm soát thời gian, bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng lạm dụng, nghiện trò chơi điện tử.

5. Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải xây dựng hoặc sử dụng, phổ biến phần mềm, các công cụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Điều 36. Các biện pháp bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em trên môi trường mạng

1. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên; có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em.

2. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải sử dụng các biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em.

3. Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em theo quy định của pháp luật có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ và cá nhân tham gia hoạt động trên môi trường mạng xóa bỏ các thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em để bảo đảm sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Điều 37. Các biện pháp hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng

1. Cơ quan quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông và quản lý nhà nước về trẻ em; tổ chức, doanh nghiệp hoạt động, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận thông tin, đánh giá, phân loại mức độ an toàn cho trẻ em được các cơ quan, tổ chức, cá nhân và trẻ em gửi tới; công bố danh sách các mạng thông tin, dịch vụ, sản phẩm trực tuyến theo mức độ an toàn đối với trẻ em; bảo đảm việc phát hiện, loại bỏ các hình ảnh, tài liệu, thông tin không phù hợp với trẻ em.

2. Cơ quan công an có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Chương V

CHĂM SÓC THAY THẾ CHO TRẺ EM

Mục 1. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐĂNG KÝ, LẬP DANH SÁCH, ĐIỀU PHỐI VIỆC LỰA CHỌN CÁ NHÂN, GIA ĐÌNH NHẬN CHĂM SÓC THAY THẾ

Điều 38. Trách nhiệm tìm cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế cho trẻ em

1. Người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã có trách nhiệm lập hồ sơ của trẻ em cần chăm sóc thay thế và tìm cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế cho trẻ em theo quy định tại Điều 62 Luật trẻ em.

2. Người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội có trách nhiệm lập hồ sơ của trẻ em đang nuôi dưỡng tại cơ sở có đủ điều kiện chuyển đến cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế, gia đình nhận trẻ em làm con nuôi; đề nghị cơ quan có thẩm quyền tìm cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế cho trẻ em hoặc giải quyết cho trẻ em làm con nuôi.

3. Hồ sơ của trẻ em cần tìm cá nhân, gia đình chăm sóc thay thế gồm:

a) Giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu (nếu có);

b) Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp theo quy định của pháp luật;

c) 02 ảnh toàn thân, nhìn thẳng, kích cỡ 8 cm x 10 cm, chụp trong thời gian trước thời điểm lập hồ sơ không quá 06 tháng;

d) Báo cáo đánh giá của người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã về hoàn cảnh, tình trạng và nhu cầu, nguyện vọng của trẻ em theo Mẫu số 10 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

đ) Biên bản xác nhận do Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi;

e) Bản sao Quyết định tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Tòa án nhân dân cấp huyện.

4. Hồ sơ của trẻ em đang ở trong cơ sở trợ giúp xã hội cần tìm cá nhân, gia đình chăm sóc thay thế bao gồm:

a) Hồ sơ quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Bản sao Quyết định của cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận trẻ em vào cơ sở trợ giúp xã hội;

c) Báo cáo đánh giá của người có thẩm quyền của cơ sở trợ giúp xã hội về hoàn cảnh, tình trạng và nhu cầu, nguyện vọng của trẻ em theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều này.

Điều 39. Đăng ký nhận chăm sóc thay thế

1. Cá nhân, người đại diện gia đình có nguyện vọng và đủ điều kiện nhận chăm sóc thay thế theo quy định tại khoản 2 Điều 63 Luật trẻ em làm đơn theo Mẫu số 08 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú để lập danh sách đăng ký nhận chăm sóc thay thế.

2. Cá nhân, người đại diện gia đình đăng ký hoặc nhận trẻ em chăm sóc, thay thế được các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tư vấn về các quy định của pháp luật liên quan đến quyền và bổn phận của trẻ em, bảo vệ trẻ em và các kỹ năng về chăm sóc thay thế.

3. Cá nhân, người đại diện gia đình là người nước ngoài, ngoài quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này phải cư trú tại Việt Nam ít nhất 06 tháng và còn thời hạn cư trú tại Việt Nam ít nhất 12 tháng vào thời điểm đăng ký.

4. Trường hợp đăng ký nhận con nuôi được thực hiện theo quy định của pháp luật về nuôi con nuôi.

Điều 40. Lập danh sách cá nhân, gia đình đăng ký nhận chăm sóc thay thế

1. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận, lập, lưu trữ danh sách cá nhân, gia đình có nguyện vọng nhận chăm sóc thay thế theo Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; hằng quý cập nhật danh sách gửi cơ quan lao động - thương binh và xã hội cấp huyện để thực hiện trách nhiệm điều phối việc lựa chọn cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế.

2. Điều kiện, thủ tục nhận chế độ trợ cấp hằng tháng đối với cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế được thực hiện theo quy định của pháp luật về chính sách trợ giúp xã hội.

Điều 41. Hồ sơ cá nhân, gia đình được lựa chọn chăm sóc thay thế

1. Hồ sơ cá nhân, người đại diện gia đình nhận chăm sóc thay thế không phải là người thân thích bao gồm:

a) Đơn đăng ký nhận chăm sóc thay thế;

b) Giấy khám sức khỏe trong thời gian 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ do cơ quan y tế cấp theo quy định của pháp luật;

c) Lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp đối với cá nhân, người đại diện gia đình chăm sóc, thay thế là người nước ngoài.

2. Cá nhân, người đại diện gia đình nhận chăm sóc thay thế là người thân thích của trẻ em thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 65 Luật trẻ em.

Điều 42. Lựa chọn hình thức và cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế

1. Người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã có trách nhiệm lựa chọn hình thức, cá nhân, gia đình chăm sóc thay thế phù hợp với trẻ em; xác minh điều kiện của cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế quy định tại khoản 2 Điều 63 Luật trẻ em theo Mẫu số 11 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; cung cấp thông tin về cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế cho trẻ em và lấy ý kiến của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên.

2. Thứ tự ưu tiên lựa chọn hình thức chăm sóc thay thế:

a) Chăm sóc thay thế bởi cá nhân, gia đình là người thân thích;

b) Chăm sóc thay thế bởi cá nhân, gia đình không phải là người thân thích;

c) Chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội.

3. Thứ tự ưu tiên chọn cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế:

a) Người thân thích;

b) Cá nhân, người đại diện gia đình nhận chăm sóc thay thế nơi trẻ em cư trú;

c) Công dân Việt Nam cư trú trong nước;

d) Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam.

4. Trong trường hợp khẩn cấp phải cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em theo quy định tại Điều 32 của Nghị định này nhưng chưa lựa chọn được cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đề nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tạm thời đưa trẻ em vào cơ sở trợ giúp xã hội và tiếp tục lựa chọn hình thức chăm sóc thay thế phù hợp.

5. Người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã có trách nhiệm lựa chọn, thông báo, cung cấp thông tin, hồ sơ của trẻ em cần chăm sóc thay thế cho cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế.

6. Việc giới thiệu trẻ em cho cá nhân, gia đình chăm sóc thay thế phải bảo đảm vì lợi ích tốt nhất của trẻ em và yêu cầu đối với việc chăm sóc thay thế theo quy định tại Điều 60 Luật trẻ em.

7. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế có trách nhiệm ban hành quyết định giao, nhận trẻ em cho cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế theo Mẫu số 12 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; tổ chức việc giao, nhận trẻ em giữa Ủy ban nhân dân cấp xã và cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định.

8. Trường hợp nơi trẻ em cư trú hoặc nơi xảy ra vụ việc xâm hại trẻ em, trẻ em bị bỏ rơi khác địa bàn cư trú của cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em cư trú hoặc nơi xảy ra vụ việc xâm hại trẻ em, trẻ em bị bỏ rơi phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế thực hiện thủ tục giao, nhận và theo dõi tình hình chăm sóc trẻ em.

Điều 43. Trách nhiệm thông tin, báo cáo quá trình phát triển của trẻ em được nhận chăm sóc thay thế

1. Cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực về tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần, sự hòa nhập của trẻ em được chăm sóc thay thế khi có yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã nơi cư trú.

2. Sau 01 tháng, 03 tháng kể từ ngày cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã nơi cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế cư trú có trách nhiệm theo dõi, đánh giá điều kiện sống, tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần, sự hòa nhập của trẻ em với cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế; định kỳ 06 tháng hoặc khi trẻ em phải chuyển đổi hình thức, chuyển đổi cá nhân, gia đình chăm sóc thay thế báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã theo Mẫu số 13 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế có trách nhiệm thông báo với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em được nhận chăm sóc thay thế cư trú hoặc nơi xảy ra vụ việc xâm hại trẻ em, trẻ em bị bỏ rơi về tình hình của trẻ em được nhận chăm sóc thay thế khi có yêu cầu.

Mục 2. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC TIẾP NHẬN, CHUYỂN HÌNH THỨC CHĂM SÓC THAY THẾ

Điều 44. Trường hợp trẻ em được nhận chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội

1. Trẻ em quy định tại khoản 1 Điều 67 Luật trẻ em và khoản 4 Điều 42 Nghị định này được chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em cư trú hoặc nơi xảy ra vụ việc xâm hại trẻ em, trẻ em bị bỏ rơi có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị đưa trẻ em vào chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội cấp huyện hoặc cấp tỉnh quản lý theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Nghị định này.

3. Trẻ em được nhận chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội được hưởng chính sách áp dụng đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Điều 45. Chuyển trẻ em đang được chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội đến cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế, gia đình nhận trẻ em làm con nuôi

1. Người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội có trách nhiệm lập danh sách theo Mẫu số 14 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và hồ sơ trẻ em có nhu cầu tìm cá nhân, gia đình chăm sóc thay thế theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Nghị định này gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đối với cơ sở thuộc trách nhiệm quản lý cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với cơ sở thuộc trách nhiệm quản lý cấp huyện.

2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, đối chiếu với danh sách cá nhân, gia đình đăng ký nhận chăm sóc thay thế để xem xét, đánh giá sự phù hợp của cá nhân, gia đình đăng ký nhận chăm sóc thay thế; nếu thấy phù hợp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân cấp huyện chuyển danh sách và hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cá nhân, gia đình đăng ký nhận chăm sóc thay thế cư trú.

3. Người đúng đầu cơ sở trợ giúp xã hội có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế thông báo tình hình của trẻ em cho cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế, tổ chức cho cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế tiếp xúc với trẻ em và đưa trẻ em đến nhà của cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế để trẻ em làm quen với môi trường mới; lấy ý kiến, nguyện vọng của trẻ em về cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế trong trường hợp trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên.

4. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét các điều kiện của cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế, nếu đủ điều kiện, Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định giao trẻ em cho cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật trẻ em. Ủy ban nhân dân cấp xã gửi quyết định giao trẻ em cho cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để làm cơ sở chấm dứt việc chăm sóc thay thế cho trẻ em tại cơ sở trợ giúp xã hội. Việc giao, nhận trẻ em được thực hiện khi có quyết định chăm sóc thay thế của Ủy ban nhân dân cấp xã và quyết định chấm dứt chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội.

5. Chính sách đối với trẻ em được chăm sóc thay thế và cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế thực hiện theo quy định của pháp luật về chính sách trợ giúp xã hội.

6. Thủ tục chuyển trẻ em sang gia đình nhận làm con nuôi được thực hiện theo quy định của pháp luật nuôi con nuôi.

Điều 46. Theo dõi, đánh giá trẻ em từ cơ sở trợ giúp xã hội chuyển đến cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế

1. Người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội cử người đại diện phối hợp với người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã tiếp tục theo dõi, đánh giá điều kiện sống, tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần, sự hòa nhập của trẻ em với cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế để kịp thời đề nghị với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về biện pháp hỗ trợ, can thiệp phù hợp.

2. Người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã có trách nhiệm theo dõi, đánh giá việc chăm sóc trẻ em được cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Nghị định này.

Điều 47. Theo dõi, đánh giá việc chăm sóc thay thế cho trẻ em tại cơ sở trợ giúp xã hội

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan lao động - thương binh và xã hội cấp huyện có trách nhiệm theo dõi, đánh giá việc chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội thuộc thẩm quyền quản lý, thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi ban hành quyết định chăm sóc thay thế cho trẻ em.

Điều 48. Chấm dứt việc chăm sóc thay thế cho trẻ em

1. Cá nhân, đại diện gia đình nhận chăm sóc thay thế theo quy định tại điểm c, d khoản 1 Điều 69 Luật trẻ em gửi đơn đề nghị chấm dứt việc chăm sóc thay thế theo Mẫu số 15 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi ban hành quyết định giao, nhận trẻ em cho cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế để thực hiện thủ tục chấm dứt việc chăm sóc thay thế.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm ban hành quyết định chấm dứt việc chăm sóc thay thế và chuyển hình thức chăm sóc thay thế căn cứ vào kết quả theo dõi, đánh giá việc trẻ em được cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế hoặc theo đề nghị của cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế hoặc theo nguyện vọng của trẻ em được quy định tại Điều 69 Luật trẻ em theo Mẫu số 16 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Đối với trường hợp trẻ em được chuyển từ cơ sở trợ giúp xã hội đến cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận quyết định giao trẻ em cho cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế của Ủy ban nhân dân cấp xã, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cá nhân có thẩm quyền quyết định chấm dứt việc chăm sóc trẻ em tại cơ sở trợ giúp xã hội và gửi quyết định này đến Ủy ban nhân dân cấp xã để thực hiện giao, nhận trẻ em cho cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế.

Chương VI

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CƠ SỞ GIÁO  DỤC, GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN TRONG VIỆC BẢO ĐẢM ĐỂ TRẺ EM ĐƯỢC THAM GIA VÀO CÁC VẤN ĐỀ VỀ TRẺ EM

Điều 49. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

1. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong quá trình xây dựng chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em (sau đây gọi là cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản) phải có sự tham gia của trẻ em như sau:

a) Bảo đảm để trẻ em được thông tin về nội dung của văn bản đang soạn thảo cần lấy ý kiến của trẻ em thông qua một hoặc các hình thức phù hợp được quy định tại khoản 2 Điều 74 Luật trẻ em;

b) Thuyết minh nội dung của văn bản đang soạn thảo phù hợp với trẻ em để trẻ em hiểu, góp ý kiến, bày tỏ nguyện vọng;

c) Tiếp nhận, xem xét, trả lời ý kiến, nguyện vọng của trẻ em hoặc giải thích, trả lời ý kiến, nguyện vọng của trẻ em không được tiếp thu thông qua một hoặc các hình thức phù hợp được quy định tại khoản 2 Điều 74 Luật trẻ em.

2. Trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản không trực tiếp tổ chức việc lấy ý kiến của trẻ em theo quy định tại khoản 1 Điều này thì việc lấy ý kiến trẻ em được thực hiện như sau:

a) Gửi văn bản đang soạn thảo kèm theo nội dung cần lấy ý kiến của trẻ em đến Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em hoặc Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam để tổ chức lấy ý kiến của trẻ em trước khi cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành;

b) Ý kiến, nguyện vọng của trẻ em thông qua Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em hoặc Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phải được cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, phản hồi cho Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em hoặc Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam để phản ánh lại với trẻ em.

3. Hồ sơ ban hành theo thẩm quyền hoặc gửi cơ quan có thẩm quyền thẩm định, thẩm tra, ban hành của cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản phải có nội dung tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của trẻ em trong bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

4. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong quá trình hướng dẫn, triển khai thực hiện chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nếu nhận được ý kiến, nguyện vọng của trẻ em về những vấn đề có tác động, ảnh hưởng đến trẻ em thì phải tiếp nhận, xem xét và trả lời trực tiếp cho trẻ em hoặc cơ quan, tổ chức gửi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em.

5. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra các hoạt động có sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em; đình chỉ hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ hoạt động có sự tham gia của trẻ em nếu vi phạm pháp luật hoặc không vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Điều 50. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Ủy ban nhân dân các cấp trong quá trình xây dựng các quyết định, chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về trẻ em hoặc có liên quan đến trẻ em phải có sự tham gia của trẻ em theo quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều 49 Nghị định này.

2. Ủy ban nhân dân các cấp trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nếu nhận được ý kiến, nguyện vọng của trẻ em về những vấn đề có tác động, ảnh hưởng đến trẻ em thì phải tiếp nhận, xem xét và trả lời trực tiếp cho trẻ em hoặc cơ quan, tổ chức gửi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em.

3. Chỉ đạo các cơ quan có liên quan hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra các hoạt động có sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em trên địa bàn; đình chỉ hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ các hoạt động có sự tham gia của trẻ em nếu vi phạm pháp luật hoặc không vì lợi ích tốt nhất của trẻ em; xử lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi ngăn cản trẻ em được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng và tham gia hoạt động xã hội phù hợp.

4. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm quản lý, tạo điều kiện để trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em theo phạm vi và hình thức quy định tại Điều 74 và yêu cầu tại khoản 1 Điều 78 Luật trẻ em.

Điều 51. Trách nhiệm của tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em

1. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em được quy định tại Điều 77 Luật trẻ em.

2. Hằng năm, đề xuất với Chính phủ kế hoạch thực hiện nhiệm vụ đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em và giám sát việc thực hiện ý kiến, nguyện vọng của trẻ em theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 91 Luật trẻ em.

3. Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em và giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em theo kế hoạch được Chính phủ phê duyệt.

Điều 52. Trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp

1. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (sau đây gọi là tổ chức) khi xây dựng và thực hiện quyết định, chương trình, hoạt động về trẻ em hoặc có liên quan đến trẻ em phải lấy ý kiến của trẻ em thông qua một hoặc các hình thức phù hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 74 Luật trẻ em.

2. Các tổ chức phải thuyết minh nội dung quyết định, chương trình, hoạt động đang xây dựng hoặc đang thực hiện phù hợp với trẻ em để trẻ em hiểu, góp ý kiến, bày tỏ nguyện vọng; ý kiến, nguyện vọng của trẻ em gửi đến tổ chức phải được tiếp nhận, xem xét và trả lời trực tiếp cho trẻ em hoặc cơ quan, tổ chức gửi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em theo tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức.

3. Các tổ chức có trách nhiệm gửi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em mà tổ chức nhận được đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền xem xét, giải quyết và theo dõi việc trả lời các ý kiến, kiến nghị đó.

4. Các tổ chức thực hiện các hoạt động, sự kiện có sự tham gia của trẻ em phải bảo đảm các điều kiện an toàn, phù hợp với trẻ em; chấp hành các hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra hoặc quyết định đình chỉ của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 53. Trách nhiệm của nhà trường, cơ sở giáo dục khác

1. Nhà trường tạo điều kiện để học sinh tham gia các hoạt động xã hội phù hợp; bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về những vấn đề học sinh quan tâm thông qua các hình thức được quy định tại khoản 2 Điều 74 Luật trẻ em.

2. Ban Giám hiệu nhà trường có trách nhiệm tiếp nhận ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của học sinh và xem xét, trả lời những vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm của Ban Giám hiệu trong thời hạn 07 ngày làm việc. Nội dung trả lời nêu rõ việc thực hiện hoặc không thực hiện, thời gian thực hiện, lý do không thực hiện ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của học sinh.

3. Ban Giám hiệu nhà trường có trách nhiệm gửi ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của học sinh đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có chức năng, thẩm quyền xem xét, giải quyết nếu ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng không thuộc phạm vi trách nhiệm của Ban Giám hiệu và theo dõi việc trả lời để phản hồi cho học sinh.

4. Giáo viên làm tổng phụ trách Đội hoặc bí thư chi đoàn phản ánh hoặc tổng hợp ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của học sinh chuyển đến Ban Giám hiệu nhà trường hoặc giáo viên trong trường hợp học sinh không muốn phản ánh trực tiếp vấn đề với Ban Giám hiệu nhà trường hoặc giáo viên; thông tin việc tiếp thu, xem xét, giải quyết ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng cho học sinh.

Điều 54. Trách nhiệm của cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở trợ giúp xã hội

1. Cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở trợ giúp xã hội phải công bố các thông tin sau đây khi có yêu cầu của trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em:

a) Quyết định thành lập hoặc giấy đăng ký hoạt động do cơ quan có thẩm quyền cấp;

b) Chức năng, nhiệm vụ, nội dung hoạt động và các dịch vụ được cung cấp;

c) Giá các dịch vụ (nếu có);

d) Biện pháp, chế độ cung cấp dịch vụ cho trẻ em;

đ) Trách nhiệm tham gia trong quá trình cung cấp dịch vụ của cha mẹ, người chăm sóc trẻ em hoặc chính trẻ em.

2. Cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở trợ giúp xã hội phải tiếp nhận, xem xét, trả lời trực tiếp hoặc bằng văn bản về ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, cơ quan, tổ chức có liên quan đối với các dịch vụ do cơ sở cung cấp.

Điều 55. Trách nhiệm của cơ quan thông tin đại chúng, cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng

1. Cơ quan thông tin đại chúng, cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng có trách nhiệm đăng tải ý kiến, nguyện vọng của trẻ em gửi đến phù hợp với tôn chỉ, mục đích hoạt động của cơ quan, tổ chức và quy định của pháp luật. Trường hợp không đăng tải phải trả lời và giải thích rõ lý do.

2. Gửi và yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả lời bằng văn bản ý kiến, nguyện vọng của trẻ em.

3. Cơ quan thông tin đại chúng, cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em theo yêu cầu của trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em hoặc trong trường hợp việc tiết lộ thông tin đó gây tổn hại cho trẻ em, không vì lợi ích tốt nhất của trẻ em theo Điều 33 Nghị định này.

Điều 56. Trách nhiệm của gia đình

Cha, mẹ, các thành viên trong gia đình có trách nhiệm:

1. Chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.

2. Giáo dục trẻ em.

3. Bảo vệ an toàn cho trẻ em.

4. Tạo điều kiện để trẻ em tham gia hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao và các hoạt động xã hội phù hợp.

5. Tạo điều kiện hướng dẫn trẻ em tiếp cận nguồn thông tin an toàn, phù hợp với độ tuổi, giới tính và mức độ trưởng thành của trẻ em.

6. Bảo đảm sự tham gia của trẻ em trong gia đình theo quy định tại Điều 75 và khoản 1 Điều 78 Luật trẻ em.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 57. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2017.

2. Nghị định số 71/2011/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Điều 58. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng Chính phủ

(Đã ký)

 

Nguyễn Xuân Phúc

Nguồn tin: vbpl.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm nhất điều gì khi con đến trường?

Bộ giáo dục và đào tạo
Mas
Network and partners
Hội thảo về bé
Liên hệ với chúng tôi


Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay897
  • Tháng hiện tại24,736
  • Tổng lượt truy cập1,213,911
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây